Châu Âu bác bỏ sự phản đối của Hungary và Slovakia về chính sách hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo ở Moscow. Ảnh AP |
Trong khi hầu hết các thành viên EU đã đa dạng hoá nguồn cung cấp dầu và khí đốt, thì hai quốc gia Đông Âu này vẫn tiếp tục nhận dầu qua đường ống hữu nghị Druzhba từ thời Liên Xô. Hungary và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu can thiệp quyết định của Ukraine.
Phát ngôn viên Balazs Ujvari của Ủy ban Châu Âu cho biết: “Dựa trên thông tin mà chúng tôi có được, dường như các lệnh trừng phạt của Ukraine đối với công ty Lukoil, sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu qua đường ống Druzhba do các doanh nghiệp khác thực hiện, miễn sao các lô dầu không thuộc quyền sở hữu của Lukoil”.
Ông Ujvari đề cập đến cuộc họp giữa Ủy viên Thương mại của EU Valdis Dombrovskis và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal: “Các cơ quan Ủy ban đang chờ phản hồi chi tiết từ Slovakia và Hungary để xác nhận rằng tình hình này thực sự đúng".
Theo tuyên bố từ Chính phủ Ukraine, Thủ tướng Denys Shmyhal đã mô tả hành động của hai quốc gia thành viên EU là “cực kỳ chính trị hoá và mang tính thao túng”.
Ông Shmyhal nói: “Chúng tôi tin rằng mối đe dọa thực sự đối với các quốc gia này đến từ Nga, quốc gia đang cố tránh các biện pháp trừng phạt thông qua việc đe dọa năng lượng. Chúng tôi rất biết ơn Ủy ban Châu Âu về chính sách hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga và hỗ trợ các quốc gia EU đang tích cực đa dạng hoá nguồn cung dầu”.
Ủy ban Châu Âu kết luận rằng: “Các cuộc hội ý khẩn cấp hiện không cần thiết”, vì phân tích sơ bộ của họ cho thấy lượng dầu bị thiếu từ Lukoil sẽ được bù vào bởi các nhà cung cấp khác thông qua cùng một đường ống.
Khi được hỏi liệu tình trạng này có tiếp tục diễn ra trong mùa đông sắp tới hay không, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Ujvari nói với các phóng viên: “Chúng tôi thấy chưa cần thiết phân tích vấn đề dài hạn này. Trước mắt, chúng tôi đang xem xét vấn đề an ninh nguồn cung dầu, đây cũng là điều mà Hungary và Slovakia đặc biệt quan tâm”.
Một quan chức lưu ý rằng hiện chỉ có khoảng 3% nguồn cung cấp dầu thô của châu Âu đến từ Nga, đồng thời cho biết thêm tuyến đường ống thay thế qua Croatia có đủ công suất dự phòng để đáp ứng nhu cầu của cả hai nước.
Tuần trước Slovakia và Hungary đã viết thư cho Ủy ban châu Âu yêu cầu can thiệp vào vấn đề liên quan đến Hiệp định Liên kết EU-Ukraine. Hiệp định này được ký kết cách đây khoảng mười năm với mục tiêu làm sâu mối quan hệ chính trị và thương mại giữa EU và Ukraine.
Ngày 30/7, Ngoại trưởng Hungary Péter Szíjjártó cho biết vụ việc vẫn chưa có phản hồi từ Ủy ban châu Âu cho thấy rằng hoặc là các cơ quan điều hành của EU “yếu đến mức không có khả năng” bảo vệ lợi ích của hai quốc gia thành viên trước một quốc gia ứng cử viên, hoặc là toàn bộ sự việc liên quan đến việc thắt chặt nguồn cung dầu đã được Ủy ban Châu Âu “nghĩ ra” để “đe dọa” hai quốc gia “ủng hộ hoà bình”.
Cuộc tranh cãi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa các cơ quan điều hành của EU và Hungary. Sau nhiều tháng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng EU để trì hoãn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và ngăn chặn viện trợ của EU cho Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã gây phẫn nộ khi ông sử dụng những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ trong các cuộc đàm phán liên Chính phủ của quốc gia để thực hiện một “sứ mệnh hoà bình” đơn phương tới Moscow và Bắc Kinh.
Vào tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Hungary ATV, Ngoại trưởng Hungary Szíjjártó cảnh báo đến khi vấn đề vận chuyển dầu được giải quyết, Hungary sẽ tiếp tục chặn khoản viện trợ quân sự 6,5 tỷ euro cho Ukraine thông qua Quỹ Cơ sở Hoà bình châu Âu.
Mỹ: Nhập khẩu dầu từ Nga tăng vọt sau cơn bão Ida |
Đức ngừng nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống |
Ấn Độ cho thấy tín hiệu “quay lưng” với dầu của Nga |
Nh.Thạch
AFP