Các nước sản xuất dầu mỏ đối mặt với nguy cơ bất ổn chính trị khi thế giới dịch chuyển khỏi nguyên liệu hóa thạch.

15:31 | 30/03/2021

|
CNBC 26/3/2021 đưa tin về Dự báo Rủi ro Chính trị năm 2021 của tổ chức tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, cho rằng các nước thất bại trong đa dạng hóa nền kinh tế, phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch sẽ phải đối mặt với một khả năng bất ổn chính trị diễn ra từ từ. Những nước dễ bị tác động nhất là những nước có chi phí sản xuất dầu ngày càng cao và phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Tàu nổi trữ dầu Egina, tàu lớn nhất dạng này ở Nigeria, thả neo tại bến cảng Lagos.
Tàu nổi trữ dầu Egina, tàu lớn nhất dạng này ở Nigeria, thả neo tại bến cảng Lagos.

Báo cáo này cho rằng các nước Algeria, Chad, Iraq và Nigeria sẽ là những nước đầu tiên đối mặt với nguy cơ bất ổn chính trị khi các nước sản xuất dầu mỏ đều cảm nhận sự chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng các-bon thấp.

Trong khoảng từ 3 đến 20 năm tới, với trào lưu dịch chuyển từ từ ra khỏi các nguyên liệu hóa thạch, và đặc biệt sau khi đại dịch Covid 19 làm tiêu hao nguồn thu nhập ngắn hạn từ xuất khẩu dầu mỏ, các nước phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ buộc phải thích nghi với những thay đổi đột ngột trong tín dụng, trong các quy định và chính sách.

Mặc dù một vài nước đang tăng đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, có một sự đồng thuận chung trong đánh giá cho rằng năm 2030 sẽ là “đỉnh điểm của dầu mỏ” và sau đó quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp sẽ tăng tốc và buộc các nước sản xuất dầu mỏ phải thích ứng với các nguồn thu mới.

Các nhà phân tích cho rằng các nước chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất có thể sẽ bước vào giai đoạn “vòng xoáy tồi tệ của việc giảm thu nhập từ hydrocarbon, bất ổn chính trị và thất bại trong nỗ lực phát triển khu vực kinh tế không dựa vào dầu”.

Từ sau đợt sụt giảm giá dầu năm 2014, đa số các nước xuất khẩu dầu đều bị đình trệ hoặc phải nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Theo dữ kiện của tổ chức tư vấn Maplecroft, nhiều nước phải tăng gấp đôi sản lượng dầu để bù đắp cho thiếu hụt nguồn thu; giảm dự trữ ngoại tệ như A-rập Xê-út hoặc phá giá đồng nội tệ như Nigeria, Iraq trong năm 2020, giữ cân đối xuất-nhập khẩu thông qua cắt giảm phúc lợi xã hội.

Các chuyên gia của Maplecroft cho rằng việc phá giá đồng tiền ở một số nước xuất khẩu dầu mỏ là dấu hiệu cho thấy những lựa chọn ảm đạm ở phía trước đối với những nước này. Những nước này hoặc là phải đa dạng hóa nền kinh tế, hoặc là buộc phải đối mặt với sự điều chỉnh kinh tế. Nhiều nước xuất khẩu dầu đang phải vật lộn với yêu cầu đa dạng hóa nền kinh tế vì thiếu các thể chế luật pháp và kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cần thiết.

Những nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ dầu mỏ, khả năng đa dạng hóa kinh tế thấp và nền tảng ổn định chính trị thấp, như Nigeria, Algeria, Chad và Iraq, sẽ là những nước bị ảnh hưởng trước tiên, một khi “cơn bão bùng nổ”.

Những nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh có chi phí sản xuất thấp hơn, có thể chế kinh tế mạnh hơn và nguồn lực đủ để đa dạng hóa nền kinh tế dễ dàng hơn, như UAE và Qatar, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn đối với những biến động chính trị, mặc dù không tránh khỏi bị “trầy xước”.

Thanh Bình