Các nhà xuất khẩu dầu mỏ kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc để tồn tại

10:50 | 12/10/2020

|
(PetroTimes) - Trung Quốc vẫn là hy vọng cuối cùng của các nhà xuất khẩu dầu trên thế giới khi nhu cầu ở nước này vẫn ở mức cao và nguồn cung bắt đầu tăng trở lại. Đồng thời, Ả rập Saudi có thể vượt Nga để quay trở lại vị trí số 1 về cung cấp dầu thô cho thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Mỏ dầu lớn nhất Na Uy có thể ngừng sản xuất do đình côngMỏ dầu lớn nhất Na Uy có thể ngừng sản xuất do đình công
Nhu cầu dầu Dự báo bi quanNhu cầu dầu Dự báo bi quan
3651-a1
Tàu dầu xếp hàng ngoài khơi Trung Quốc

Theo ước tính của OilX, sản lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua tăng 3,1% so với tháng 8, lên mức 11,52 triệu thùng/ngày. Nếu ước tính của OilX không chênh lệch nhiều so với số liệu chính thức (dự kiến sẽ công bố vào ngày 13/10 tới) thì trong vòng 5 tháng qua, sản lượng nhập khẩu dầu trung bình của Trung Quốc đã vượt mốc 11 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 840.000 thùng/ngày so với mức 10,16 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Nhu cầu nhập khẩu dầu tăng liên tục một phần cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi hoàn toàn sau khi dỡ bỏ các hạn chế được áp dụng trong đại dịch Covid-19.

Mặc dù sản lượng nhập khẩu dầu tháng 9 vẫn thấp hơn mức kỷ lục 12,9 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020 nhưng lượng nhập khẩu vẫn tăng mạnh 24,4%, tương đương 2,26 triệu thùng/ngày so với tháng 9/2019.

Có thể nói, các công ty Trung Quốc đã tận dụng triệt để lợi thế của việc sụt giảm mạnh giá dầu trong tháng 4 và bắt đầu mua dầu thô từ khắp nơi trên thế giới. Giá dầu toàn cầu ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm do cuộc chiến giá dầu nổ ra giữa Ả rập Saudi và Nga, nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm vì đại dịch Covid-19. Giá dầu Brent đã giảm từ mức 71,75 USD/thùng xuống mức 15,98 USD/thùng (22/4/2020).

Các cảng biển chứa đầy dầu

3654-a2

Không giống như Mỹ và các quốc gia sản xuất dầu khác, Trung Quốc dường như không gặp vấn đề nào về khả năng lưu trữ dầu thô. Các công ty dầu khí nhà nước và tư nhân của Trung Quốc đã xây dựng “thần tốc” các cơ sở lưu trữ mới để chứa thêm hàng triệu thùng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cảng biển của Trung Quốc đã không thể đáp ứng kịp tăng trưởng mạnh nhập khẩu dầu bằng đường biển. Một số lượng lớn tàu chở dầu nhập khẩu đã phải xếp hàng để được dỡ hàng. Hầu hết các tàu chở dầu đã mua 3 tháng trước đang chờ dỡ hàng tại các cảng dầu ở các tỉnh duyên hải của Trung Quốc. Theo OilX, sau 5 tháng tăng trưởng, khối lượng dầu thô trong các tàu chở dầu chờ bốc xếp hàng bắt đầu giảm, cho thấy sự cải thiện tình hình lưu trữ dầu thô tại các cảng dầu của nước này.

Theo dữ liệu của các công ty theo dõi vận tải các tàu chở dầu, lượng dầu trong các tàu chở dầu xếp hàng ở Trung Quốc vào đầu tháng 10 lên tới 4,2 triệu tấn (30,7 triệu thùng). Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Refinititv, các tàu chở dầu trong tháng 9 đang trên đường đến Trung Quốc mang theo khối lượng dầu tương đương 8,17 triệu thùng/ngày, ít hơn đáng kể so với mức trung bình của quý II/2020 là 11,87 triệu thùng. Vì vậy, có thể nói khối lượng dầu vận tải đến Trung Quốc sẽ sụt giảm trong tháng 10 này, qua đó giúp cải thiện tình hình dỡ hàng tại các cảng dầu.

Ả rập Saudi sẽ trở lại vị trí nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc?

Dữ liệu của Refinitiv mới chỉ tính đến các chuyến hàng chở dầu bằng đường biển đến Trung Quốc mà chưa tính đến khối lượng dầu nhập khẩu bằng đường ống. Nga hiện là nhà cung cấp dầu thô bằng đường ống lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với khối lượng khoảng 800.000 thùng/ngày. Ngoài ra, dầu thô của Nga còn được xuất sang Trung Quốc từ cảng biển Kozmino (điểm cuối của đường ống dẫn dầu ESPO). Bất chấp việc giảm sản lượng khai thác dầu trong OPEC+, sản lượng dầu thô vận chuyển đến cảng Kozmino thông qua ESPO trong 9 tháng đầu năm tăng lên 670.000 thùng/ngày.

Xét về tổng thể, phần lớn dầu thô nhập của Trung Quốc đến từ khu vực Trung Đông. Theo ước tính của Refinitiv trong tháng 9, nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông đạt 5,2 triệu thùng/ngày, tăng 280.000 thùng/ngày so với tháng 8. Trong đó, Ả rập Saudi đã tăng khoảng 450.000 thùng/ngày lên 1,69 triệu thùng/ngày. Nếu điều này tiếp diễn, Ả rập Saudi sẽ lấy lại vị trí số 1 về xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong tháng 8/2020, Nga đã xuất sang Trung Quốc 1,37 triệu thùng/ngày và tổng khối lượng dầu thô xuất sang nước này trong 8 tháng đầu năm đạt 57,1 triệu tấn (1,71 triệu thùng/ngày). Ả rập Saudi xếp ở vị trí thứ hai với 55,8 triệu tấn (1,67 triệu thùng/ngày) xuất sang Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá dầu thế giới

Nhu cầu dầu cao ở Trung Quốc đang hỗ trợ giá dầu hiện nay. Sau khi dỡ bỏ các hạn chế được áp dụng trong đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh chóng và vượt qua mọi dự báo của giới chuyên gia. Do đó, việc Trung Quốc giảm nhập khẩu trong tháng 8 xuống còn 11,2 triệu thùng/ngày khiến các nhà xuất khẩu lo ngại.

Có thể nói rằng, Trung Quốc là hy vọng cuối cùng đối với các quốc gia sản xuất dầu mỏ do sự phục hồi tiêu thụ dầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã diễn ra không theo kỳ vọng của giới thị trường. Giới chuyên gia dầu khí quan ngại rằng, nhu cầu dầu sẽ chỉ phục hồi vào cuối năm do số lượng bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng mạnh khi làn sóng lây nhiễm lần 2 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia.

Hiện tại, công suất của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc ổn định ở mức 70% công suất lắp đặt. Do đó, nhập khẩu dầu ở Trung Quốc đang ở mức cao. Các nhà phân tích cho rằng, các nhà máy lọc dầu độc lập của nước này có thể giảm sản lượng trong trung hạn do tỷ suất lợi nhuận lọc dầu giảm cộng với việc các cơ quan nhà nước Trung Quốc đưa ra cơ chế thu thuế nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, khối lượng cung cấp dầu cho Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ của các nước Nam Á và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), nơi mà các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của mình.

Viễn Đông