BP chịu sức ép khủng, khéo léo điều chỉnh chuyển dịch năng lượng

09:04 | 29/04/2023

|
(PetroTimes) - Trong buổi họp mặt ngày 27/4, gã khổng lồ hydrocarbon BP của Vương quốc Anh đã giành được đa số phiếu bầu ủng hộ cho quyết định làm chậm quá trình chuyển dịch năng lượng của tập đoàn, cũng như kế hoạch bồi thường thiệt hại về môi trường.
BP chịu sức ép khủng, khéo léo điều chỉnh chuyển dịch năng lượng

Tại buổi họp ở London, các nhà hoạt động từ tổ chức phi chính phủ Fossil Free London đã liên tục cắt ngang bài phát biểu của chủ tịch BP Helge Lund và Giám đốc điều hành Bernard Looney, nhằm thể hiện sự phản đối của họ đối với chiến lược trung hòa carbon của công ty.

Một nhà hoạt động nói: “Năm 2050 là còn quá xa, chúng ta phải hành động ngay bây giờ”. Theo người này, những mục tiêu khí hậu của tập đoàn là “chưa đủ”. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi ngừng thăm dò nhiên liệu hóa thạch.

Những quỹ hưu trí lớn nhất ở Vương quốc Anh cũng đã thể hiện ý định phản đối nếu ông Helge Lund quyết định đổi hướng.

Dù vậy, mặc cho đã cố gắng hết sức, cả ba quỹ hưu trí chỉ thu về được 9,57% tổng số phiếu bầu.

Tương tự, tổ chức môi trường Follow This - một cổ đông đông xanh của BP, cũng đưa đề xuất yêu cầu BP phải điều chỉnh kế hoạch chuyển dịch năng lượng của mình sao cho tham vọng hơn. Thế nhưng, họ chỉ thu về được 16,75% tổng số phiếu bầu.

Mặt khác, gần một phần năm cổ đông, tức 18,05% tổng số phiếu bầu, đã bỏ phiếu chống lại ý tưởng BP thực hiện kế hoạch bồi thường thiệt hại vì môi trường.

Giám đốc điều hành Bernard Looney cho biết, ông “rất vui mừng vì đã nhận được sự ủng hộ đông đảo trong ngày hôm nay”.

Trong khi đó, ông Mark van Baal – người sáng lập Follow This, tuyên bố rằng BP đã “đánh lừa các cổ đông” bằng cách trình bày những kế hoạch chuyển dịch năng lượng của mình sao cho phù hợp với những mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Vào tháng 2, sau khi công bố thu về lợi nhuận kỷ lục, BP cho biết, để gia tăng lợi nhuận từ nay cho đến năm 2030, họ sẽ tăng cường đầu tư vào cả năng lượng tái tạo lẫn hydrocarbon, làm chậm tốc độ chuyển dịch năng lượng của mình.

“Một mối lo ngại nghiêm trọng”

Mới một năm trước đó, Tổ chức môi trường Greenpeace đã ca ngợi BP là “gã khổng lồ dầu mỏ tham vọng nhất” vì quá trình chuyển dịch của họ. Nhưng sau đó, họ chuyển sang chỉ trích BP vì “hủy bỏ cam kết trước áp lực từ phía nhà đầu tư và chính phủ”.

Trong số những quỹ hưu trí muốn bỏ phiếu chống lại quyết địch của ông Helge Lund có quỹ hưu trí Nest. Họ cho rằng: “Nếu BP tiếp tục đi theo quỹ đạo này, chúng tôi thực sự nghi ngờ khả năng họ đạt được mục tiêu trung hòa carbon và gặt hái thành công lâu dài về cho công ty”.

Do đó, họ kêu gọi đầu tư “nhiều hơn vào những giải pháp carbon thấp và năng lượng tái tạo, thay vì vào những địa điểm dầu khí mới”.

Brunel - một quỹ hưu trí khác, cũng cho biết đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch chuyển dịch chậm của BP.

Follow This tin rằng “mục tiêu đạt trung hòa carbon cho năm 2050” của BP là “không đủ”, và yêu cầu tập đoàn điều chỉnh những mục tiêu giảm phát thải năm 2030 sao cho tương ứng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris: Đảm bảo nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2°C (hoặc 1,5°C nếu khả thi) so với giai đoạn năm 1850-1900.

Mặt khác, Hội đồng Quản trị của BP phản hồi về nghị quyết này như sau: “Chúng tôi nhận thấy có một vài cổ đông và những bên liên quan khác bất đồng quan điểm về những quyết định mà chúng tôi đưa ra. Nhưng chúng tôi khẳng định có (chiến lược khí hậu) phù hợp với những mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

Ông Looney phản biện rằng, vấn đề không nằm ở chỗ, chọn năng lượng tái tạo hay hydrocacbon, mà là chọn cả hai cùng một lúc.

CEO BP bảo vệ các kế hoạch đầu tư cho nhiên liệu hóa thạchCEO BP bảo vệ các kế hoạch đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch
BP bị điều tra vi phạm các quy tắc an toàn của MỹBP bị điều tra vi phạm các quy tắc an toàn của Mỹ
BP và ADNOC đấu thầu mua cổ phần hãng khai thác khí đốt của IsraelBP và ADNOC đấu thầu mua cổ phần hãng khai thác khí đốt của Israel

Ngọc Duyên

AFP