Big Oil chỉ đủ dầu khai thác trong vòng 15 năm so với 100 năm của Nga?

19:00 | 17/05/2021

|
Theo báo của OPEC trong tháng 05/2021, đầu tư vào ngành dầu khí toàn cầu từ các nước ngoài OPEC năm 2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, ở mức 311 tỷ USD. Nhiều chuyên gia thị trường cho rằng, các khoản đầu tư dầu khí sẽ không bao giờ đạt mốc kỷ lục 718 tỷ USD trong năm 2014, thời điểm mà các công ty dầu mỏ toàn cầu gia tăng mạnh hoạt động thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí mới.
Big Oil chỉ đủ dầu khai thác trong vòng 15 năm so với 100 năm của Nga?
Big Oil chỉ đủ dầu khai thác trong vòng 15 năm so với 100 năm của Nga?

Trước yêu cầu của các cổ đông về đảm bảo dòng tiền tự do, các công ty khai thác dầu đá phiến độc lập tại Mỹ đã bắt đầu cắt giảm chi phí thăm dò và khai thác vào cuối năm 2019. Do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 trong năm 2020, nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh, các công ty dầu khí buộc phải cắt giảm đáng kể chi phí khoan thăm dò và sản xuất cũng như cắt giảm dịch vụ dầu khí, chủ yếu là dịch vụ nứt vỡ vỉa thủy lực. Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực thăm dò giảm, kéo theo giảm trữ lượng dự trữ. Nếu duy trì mức sản xuất như hiện nay, 5 Big Oil lớn nhất phương tây sẽ chỉ đảm bảo duy trì trữ lượng dầu khí thu hồi không quá 15 năm.

Chính sách “xanh” của Tổng thống Biden

Sau khi ứng cử viên Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, vị thế của các công ty dầu đá phiến Mỹ ngày càng xấu đi. Mặc dù giá năng lượng đã phục hồi, nhưng thực tế thì các nhà sản xuất đã mất đi cơ hội nhận được các khoản vay mới cần thiết để thăm dò và phát triển mỏ mới. Trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh về việc Mỹ tái tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, đình chỉ cấp giấy phép khai thác nhiên liệu hóa thạch trên các diện tích đất liên bang, đề xuất các khoản đầu tư chưa từng có vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.

Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu do phía Mỹ khởi xướng trong tháng 4 vừa qua, Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 10 năm tới. Kế hoạch này tập trung vào mục tiêu giảm 50-52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 (cao gấp đôi cam kết mà cựu Tổng thống Mỹ Obama đưa ra năm 2015).

Nhiều ngân hàng phương tây, các quỹ đầu tư, các công ty quản lý tài sản lớn như Black Rock và Vanguard đã ngừng cấp tín dụng một phần hoặc hoàn toàn đối với các công ty dầu khí. Hơn nữa, các khoản vay được cấp phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường nhằm giảm phát thải carbon. Việc từ chối cung cấp các khoản vay mới của giới tư bản tài chính khiến trữ lượng dự trữ của các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới suy giảm. Các công ty dầu mỏ phương tây cũng sẽ không thể duy trì sản xuất bình thường và đủ các khoản đầu tư cần thiết để chuyển đổi sang các nguồn NLTT.

Big Oil đang mất dần trữ lượng

Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, các công ty dầu khí phương tây hàng đầu gồm ExxonMobil, Chevron, Total, Eni, Shell và BP (hay còn gọi là Big Oil) sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ dầu của mình trong vòng chưa đầy 15 năm tới đây. Do việc bán tài sản, rút khỏi các dự án trong năm 2020, Big Oil đã mất khoảng 13 tỷ thùng dầu quy đổi, tương đương 15% trữ lượng dự trữ. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là thiếu hụt đầu tư cần thiết vào công tác thăm dò địa chất và phát triển mỏ. Theo đánh giá của Financial Times, do giá dầu sụt giảm, tài sản sản xuất của Big Oil trong năm 2020 có thể mất giá khoảng 900 tỷ USD, bằng gần 1/3 tổng giá trị vốn hóa của nhóm công ty này.

Big Oil đã buộc phải cắt giảm chi tiêu vốn 34% vào năm ngoái. Vào đầu năm 2021, quá trình cắt giảm lại tiếp tục, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thăm dò. Trong quý I/2021, chỉ có tổng cộng 1,2 tỷ thùng dầu quy đổi mới được phát hiện, thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Trữ lượng đã được chứng minh của ExxonMobil đã giảm 7 tỷ thùng dầu quy đổi trong năm 2020, tương đương giảm 30% so với năm 2019 do hãng này rút khỏi một số tài sản ở Mỹ và Canada nơi sản xuất khí đá phiến và dầu bitum. Trong năm 2020, trữ lượng đã được chứng minh của Shell đã giảm 20% so với năm 2019, xuống còn 9 tỷ thùng dầu quy đổi. Kết quả của việc bán tài sản, rút khỏi các dự án phát triển mỏ là trữ lượng chứng minh của Chevron giảm 2 tỷ thùng dầu quy đổi, BP giảm 1 tỷ thùng quy đổi. Chỉ có hai tập đoàn Total và Eni không ghi nhận suy giảm trữ lượng đã được chứng minh trong thập kỷ vừa qua. Đối với các công ty dầu khí châu Âu đang tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang NLTT, dầu thô và khí đốt vẫn là nguồn thu nhập chính.

Duy trì sản lượng trong Big Oil đang trở thành một nhiệm vụ “quá sức” vì sản lượng thu hồi không được bổ sung đầy đủ từ các mỏ đã phát hiện. Điều này có thể dẫn đến giảm doanh thu và thiếu hụt nguồn lực cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn NLTT. Hiện tại, cả OPEC và IEA đều dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới. Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm phục hồi nhu cầu sau đại dịch, nhưng cả hai tổ chức đều nhận định, thế giới cần nguồn cung dầu bổ sung đến năm 2022 để bù đắp sự suy giảm sản lượng tại các mỏ trưởng thành và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng sau đại dịch.

Khả năng tăng trưởng lợi nhuận của Big Oil trong tương lai sẽ phụ thuộc vào doanh số dầu thô và khí đốt bán ra. Nếu không đủ trữ lượng để duy trì sản lượng khai thác ở mức thích hợp, sẽ nảy sinh vấn đề với các dự án tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ngành dầu khí của Nga

Bộ trưởng Bộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường LB Nga Aleksander Kozlov cho biết, các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt của Nga đảm bảo đủ nhu cầu tiêu thụ lần lượt trong vòng 59 năm và 103 năm. Tuy nhiên, phía Nga hiểu rằng, sự cân bằng trữ lượng đang ở mức báo động. Bất chấp trữ lượng dự trữ dầu khí dồi dào, ông Kozlov cho rằng, cần tiến hành công tác thăm dò địa chất, kể cả ở những khu vực xa xôi khó tiếp cận. Từ đó, Nga có thể xuất khẩu dầu khí dọc theo Tuyến đường hàng hải phương Bắc. Ngoài ra, ông Kozlov cũng chỉ ra những khó khăn liên quan đến việc Nga bị cấm vận tiếp cận công nghệ hiện đại của Mỹ/phương Tây. Điều này cũng làm tăng chi phí phát triển các mỏ khó thu hồi.

Trước đó, Giám đốc Rosnedr Evgeny Kiselev cho biết, trữ lượng dầu có thể thu hồi tại Nga có thể đủ trong vòng 58 năm, trong khi trữ lượng thu hồi có lợi nhuận chỉ đủ trong vòng 19 năm, nguồn cung khí đốt đủ trong vòng hơn 60 năm. Theo kết quả kiểm kê của DeGolyer MacNaughton, trữ lượng dầu khí đã được chứng minh của Rosneft lên tới 39 tỷ thùng vào cuối năm 2020. Với mức sản xuất hiện tại là hơn 5 triệu thùng/ngày, trữ lượng đã được chứng minh của Rosneft đủ trong hơn 15 năm. Tỷ lệ thay thế hữu cơ của trữ lượng đã được chứng minh vào năm 2020 đạt 151%. Vào cuối năm ngoái, Rosneft đã khởi động dự án Vostok Oil đầy tham vọng. Dự án sẽ phát triển một số mỏ ở phía bắc của Vùng Krasnoyarsk với tổng cơ sở tài nguyên lên tới 6 tỷ tấn dầu và condensate.

Tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga Gazprom có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Cũng theo kết quả kiểm kê của DeGolyer MacNaughton, trữ lượng đã được chứng minh và có thể thu hồi khí của Gazprom tính đến ngày 31/12/2019 lên tới 24.400 tỷ m3 khí đốt. Trong năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19, sản lượng khai thác khí đốt của Gazprom lên tới 500,1 tỷ m3. Ở mức sản xuất này, trữ lượng dự trữ của hãng sẽ trên 48 năm. Theo dữ liệu chính thức của Gazprom năm 2020, trữ lượng bổ sung mới của hãng tiếp tục vượt sản lượng khai thác năm thứ 16 liên tiếp.

Viễn Đông