Bản tin thị trường dầu thô và dự báo tuần tới

10:21 | 13/07/2020

|
(PetroTimes) - Giá Brent (tháng 9) trong tuần giao dịch 6 - 10/7 biến động trong biên độ 41,44 - 43,61 USD/thùng, đóng cửa ở mức 43,27 USD/thùng sau khi giảm mạnh gần 5% trong 2 ngày giao dịch cuối.
ban tin thi truong dau tho va du bao tuan toiNhiều thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt dầu thô
ban tin thi truong dau tho va du bao tuan toiTiêu thụ dầu mỏ đã đạt đỉnh?

Mở cửa tuần giao dịch ngày 6/7, Brent tăng nhẹ lên mức 43,61 USD/thùng, sau đó giao dịch quanh mốc 43 USD/thùng nhờ chỉ số PMI Composite tháng 6 các nền kinh tế lớn tăng lên trên 50 điểm, cho thấy đà phục kinh tế toàn cầu, Saudi Aramco tiếp tục tăng giá bán dầu thô tháng 8. Ngày 7 - 8/7, Brent có lúc giảm gần 2% xuống còn 42,53 USD/thùng do Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế Eurozone suy thoái sâu hơn trong năm 2020, sau đó đã quay trở lại mốc 43 USD/thùng.

Ngày 9/7, Brent giảm gần 3%, thị trường bắt đầu phản ứng với số ca nhiễm Covid-19 mới toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt tại Mỹ (Florida đóng cửa trở lại nhà hàng, câu lạc bộ gym, số ca nhiễm mới trên 15.000/ngày), Úc đóng cửa 2 bang đông dân nhất, Catalonia (Tây Ban Nha) tái áp dụng cách ly xã hội dấy lên lo ngại về phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Đến cuối tuần, số ca nhiễm Covid-19 mới thế giới tăng lên mức kỷ lục trên 229.900/ngày. Ngoài ra, trữ lượng dầu thương mại Mỹ bất ngờ tăng mạnh trở lại 5,6 triệu thùng/tuần, bù lại, trữ lượng xăng giảm mạnh 4,8 triệu thùng, công suất lọc dầu tăng 2% lên 75,5% cho thấy sự phục hồi tiêu thụ nhiên liệu tích cực.

Ngày giao dịch cuối tuần 10/7, thị trường hưởng ứng tốt thông tin nâng dự báo tiêu thụ dầu thô trung bình toàn cầu của IEA trong năm 2020 lên 92,1 triệu bpd, đặc biệt tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm lên 94,9 triệu bpd (nửa đầu năm là 89 triệu bpd), nguồn cung được kiểm soát tốt - OPEC+ tuân thủ 108% kế hoạch cắt giảm, thêm vào đó, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục giảm tuần thứ 17 liên tiếp, sản lượng khai thác không tăng đã giúp Brent hồi phục hoàn toàn.

Những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường dầu thô tuần qua:

Dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trở lại, tạo ra nguy cơ tái áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội;

Nguồn cung dầu thế giới tăng: OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm 2 triệu bpd (gần như chắc chắn), NOC Lybia nối lại xuất khẩu, Mexico tăng sản lượng 100.000 bpd, Canada khai thác dầu cát trở lại;

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Ấn - Trung tiếp tục gia tăng.

Nhìn chung, yếu tố đẩy giá dầu là kỳ vọng phục hồi kinh tế nhanh đang bị đe dọa bởi nguy cơ tái bùng phát Covid-19, đầu tàu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phát đi tín hiệu lạc quan, trong khi kinh tế Mỹ cho thấy nhiều khả năng sẽ không phục hồi nhanh theo mô hình chữ V cho thấy đà tăng giá dầu đang bị hạn chế. Ngoài ra, ứng cử viên Tổng thống Mỹ - J.Biden đã tuyên bố trong chương trình tranh cử về chính sách cạnh tranh đối đầu với Nga và Trung Quốc trong trường hợp đắc cử cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tồn tại trong dài hạn, không hạn chế bởi cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này giá Brent sẽ giao động trong biên độ 40 - 45 USD/thùng.

Viễn Đông