Bản tin Năng lượng xanh: Vestas ra mắt 'tháp trên bờ” cao nhất thế giới dành cho tuabin gió

14:00 | 01/10/2022

|
(PetroTimes) - Tuần vừa qua, Công ty Vestas của Đan Mạch cho biết đã khởi động một tháp tuabin gió trên bờ với chiều cao trung tâm đo được 199 mét, một minh chứng mới nhất về cách lĩnh vực năng lượng gió đang chuyển sang các cấu trúc ngày càng lớn. Trong một thông cáo báo chí, công ty Vestas mô tả đây là “tòa tháp trên bờ cao nhất thế giới dành cho tuabin gió hiện nay." Vestas cho biết buổi ra mắt được thực hiện với sự hợp tác của doanh nghiệp Đức Max Bögl.
Bản tin Năng lượng xanh: Vestas ra mắt 'tháp trên bờ” cao nhất thế giới dành cho tuabin gió

Vestas cho biết chiều cao của tháp sẽ giúp “thu được gió mạnh hơn và ổn định hơn” và thúc đẩy sản xuất điện của tuabin. “Đặc biệt đối với các dự án ở Trung Âu thường bị hạn chế về không gian quy hoạch sẵn có, điều này góp phần quan trọng vào việc tối đa hóa việc sản xuất điện xanh”.

Tháp đã được thiết kế để sử dụng tuabin Vestas V172-7,2MW, dự kiến sử dụng ở Đức và Áo. Các bản cài đặt sẽ được cung cấp vào năm 2025.

Tòa tháp sử dụng cả bê tông và thép, kết hợp cái mà Vestas gọi là “công nghệ độc quyền” của chính hãng và Max Bögl.

Tháp là các thành phần quan trọng của tuabin gió, với bộ công cụ quan trọng bao gồm các thanh trụ và các cánh nằm trên đỉnh của chúng. Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) định nghĩa chiều cao trung tâm của tuabin là “khoảng cách từ mặt đất đến giữa rôto của tuabin”. DOE cho biết thêm rằng chiều cao trung tâm cho các tuabin quy mô tiện ích, trên bờ “đã tăng 66% kể từ 1998–1999, lên khoảng 94 mét (308 feet) vào năm 2021.” Tháp này có chiều cao tương đương với Tượng Nữ thần Tự do.

Ở độ cao 199 mét, chiều cao trung tâm của Vestas sẽ cao hơn đáng kể. Kích thước ngày càng tăng của các tuabin gió đã dẫn đến những lo ngại về việc liệu cơ sở hạ tầng cảng, đường cao tốc và các tàu được sử dụng để lắp đặt tuabin trên biển có thể ứng phó được hay không. Tuy nhiên, kỷ nguyên của tuabin “siêu cỡ” đang đến rất nhanh.

Tuabin gió nổi ngoài khơi

Cùng với lĩnh vực trên bờ, các tua-bin gió ngoài khơi cũng đã phát triển về quy mô trong vài năm qua. Tuabin ngoài khơi Haliade-X của GE Renewable Energy có chiều cao lên tới 260 mét và các cánh có kích thước 107 mét.

Vài năm gần đây đã chứng kiến ​​một số dự án năng lượng gió lớn ngoài khơi được hình thành. Vào đầu tháng Chín, công ty năng lượng Đan Mạch Orsted cho biết “trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới” đã đi vào hoạt động đầy đủ.

Nhìn về tương lai, trong tháng Chín, Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu 15 gigawatt công suất tuabin gió nổi ngoài khơi vào năm 2035. Bộ Nội vụ Hoa Kỳ thông báo: “Chính quyền Biden-Harris đang triển khai các hành động phối hợp để phát triển các giàn gió nổi mới ngoài khơi, một công nghệ năng lượng sạch mới nổi sẽ giúp Hoa Kỳ dẫn đầu về điện gió ngoài khơi". Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden là đạt 30 GW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030, một tham vọng hiện nay mà cơ bản sẽ được đáp ứng bởi các hệ thống tuabin lắp đặt đáy cố định.

GE đang chuyển đổi nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũ ở Anh thành một cơ sở lưu trữ năng lượng

Tuần qua, một nhà máy điện khí đã ngừng hoạt động ở Anh được thiết lập để tái sử dụng và chuyển đổi thành một cơ sở pin lưu trữ. Centrica niêm yết tại London cho biết đã bắt đầu xây dựng cơ sở ở Lincolnshire, một quận ở East Midlands của Anh.

Công ty GE của Mỹ sẽ cung cấp hệ thống pin lưu trữ năng lượng 50 megawatt của dự án. Khi đi vào hoạt động, cơ sở này sẽ tích trữ năng lượng từ 43 trang trại gió trên bờ ở Lincolnshire.

Centrica cho biết hệ thống sẽ có thể lưu trữ 100 megawatt năng lượng điện giờ. Cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ hoạt động trong khoảng thời gian 25 năm. Centrica cho biết việc lưu trữ năng lượng tái tạo theo cách này giúp kiểm soát tốt hơn các đỉnh và đáy liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo - sạc pin khi nhu cầu điện thấp và xả khi nhu cầu đạt đỉnh.

Các hệ thống lưu trữ hiệu quả, quy mô lớn ngày càng trở nên quan trọng khi công suất năng lượng tái tạo mở rộng. Điều này là do trong khi các nguồn năng lượng như mặt trời và gió có thể tái tạo được, nhưng chúng không thường xuyên.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng “việc mở rộng quy mô nhanh chóng của các hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ là rất quan trọng” để giải quyết vấn đề là “sự thay đổi từng giờ” của sản xuất quang điện mặt trời và điện gió trên lưới điện.

Theo IEA, đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng đạt gần 10 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2021 và dự kiến ​​đạt gần 20 tỷ USD vào năm 2022.

Trong những tháng gần đây, một số công ty lớn đã tham gia vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Tháng Bẩy, có thông báo rằng Equinor của Na Uy sẽ mua lại công ty phát triển bộ pin lưu trữ East Point Energy có trụ sở tại Mỹ sau khi ký thỏa thuận nắm giữ 100% cổ phần của công ty. Tháng Tám, BlackRock cho biết một quỹ đầu tư dưới sự quản lý của BlackRock Real Assets đã đạt được thỏa thuận mua lại Akaysha Energy, một công ty Úc chuyên phát triển các dự án năng lượng tái tạo và pin lưu trữ. /

Thanh Bình