3 tháng ảm đạm của dầu khí thế giới

08:52 | 07/11/2019

|
(PetroTimes) - Kết quả kinh doanh quý III/2019 của hầu hết các đại gia trong chuỗi giá trị dầu khí trên thế giới đều ảm đạm do sự mất giá của dầu khí, nguồn cung tăng, các cuộc chiến thương mại, tình trạng “sức khỏe yếu” của kinh tế thế giới...

Trước tiên phải nói đến các đại gia dầu khí thế giới như của Mỹ, Anh, Nga và Pháp.

Ngày 31-10-2019, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Anh - Hà Lan Shell công bố lợi nhuận ròng chỉ tăng 1%, đạt 5,9 tỉ USD trong quý III, do giá dầu thô giảm, giá khí thấp, lợi nhuận giảm trong các sản phẩm tinh chế và hóa học. Nhưng lợi nhuận hằng quý của Shell sau khi được điều chỉnh đã giảm 15% trong 3 tháng qua xuống còn 4,8 tỉ USD. Doanh thu của Shell trong thời gian qua giảm 11,6%, xuống 81,2 tỉ USD. “Kết quả của chúng tôi cho thấy khả năng kháng cự và thích ứng với điều kiện thị trường” - Tổng giám đốc Ben van Beurden, nói trong thông cáo báo chí - “Tình hình kinh tế toàn cầu và những triển vọng không khả quan chắc chắn tạo ra sự bất ổn trong kế hoạch giảm nợ và mua lại 25 tỉ USD cổ phần đã được công bố”.

3 thang am dam cua dau khi the gioi
Giá dầu thấp là nguyên nhân chính khiến ngành dầu khí thế giới trong 3 tháng qua giảm mạnh lợi nhuận

Hai ngày trước, một đại gia dầu mỏ khác của Anh là BP đã công bố lợi nhuận giảm khoảng 40% do chi phí xử lý tài sản, giá dầu giảm và sản xuất bị ảnh hưởng bởi cơn bão Barry và một số các cơ sở rơi vào đợt bảo trì.

Các đại gia dầu khí của Trung Quốc như PetroChina và Sinopec cũng chịu chung tình cảnh. Ngày 31-10-2019, PetroChina (80% thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc - CNPC) công bố lợi nhuận ròng giảm hơn một nửa trong quý III do giá dầu thô thấp và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước, trong khi đó, Sinopec - tập đoàn lọc dầu lớn nhất toàn cầu - giảm 35%.

Lợi nhuận ròng của PetroChina đã giảm 58,4% trong 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9-2019, xuống còn 8,83 tỉ nhân dân tệ (1,12 tỉ euro), PetroChina cho biết trong một tuyên bố gửi tối 31-10 tới thị trường chứng khoán Thượng Hải. Theo PetroChina, sự sụt giảm này là do giá dầu thô quốc tế thấp và cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực lọc dầu. Biên lợi nhuận trong lĩnh vực tinh chế giảm với sự xuất hiện trên thị trường các nhà tinh chế tư nhân như Hengli Petrochemical. Lợi nhuận trong lĩnh vực hóa chất và lọc dầu của PetroChina đã giảm 81,7% trong 9 tháng đầu năm 2019 do thặng dư ở thị trường trong nước và giá các sản phẩm tinh chế thấp. PetroChina cũng báo cáo doanh thu tăng 5,1%, đạt 1810 tỉ nhân dân tệ (230,51 tỉ euro) mặc dù điều kiện hoạt động khó khăn và phức tạp tại thị trường Trung Quốc và quốc tế.

Sinopec cũng chịu sự biến động của giá dầu và tình trạng dư cung trên thị trường sản phẩm dầu. Lợi nhuận sau thuế trong quý III của Sinopec đã giảm 35%, xuống còn 11,94 tỉ nhân dân tệ (1,52 tỉ USD) dù doanh thu của Sinopec tăng 14,7% trong 9 tháng năm 2019, lên 1.830 tỉ nhân dân tệ (233 tỉ euro).

Các đại gia dầu khí của Italia, Tây Ban Nha hay Na Uy cũng đồng cảnh ngộ. Gã khổng lồ dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol ngày 31-10-2019 công bố lợi nhuận ròng trong quý III/2019 giảm gần 47%. Với 333 triệu euro, lợi nhuận ròng của Repsol thấp hơn nhiều so với dự báo 472 triệu của các nhà phân tích.

Trong quý III/2019, Tập đoàn Equinor của Na Uy chỉ có lãi ròng 1,1 tỉ USD so với mức 1,66 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái, do mỗi thùng dầu được tập đoàn này bán ra trong quý III giảm 22% và mức sụt giảm của giá khí còn nhiều hơn. “Chúng tôi duy trì nghiêm ngặt kỷ luật về chi phí và vốn, nhưng kết quả vẫn bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa thấp”, Eldar Saetre, Giám đốc điều hành Equinor, cho biết. Sản lượng của Equinor cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,9 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày. Đối mặt với giá khí thấp, Equinor đã đình chỉ sản xuất một số mỏ để chờ giá tăng. Doanh thu trong quý III của Equinor vì thế đã giảm 18,4%, xuống còn 15,61 tỉ USD.

Trong thông báo ngày 25-10-2019, Tập đoàn Eni của Italia cho biết, lợi nhuận ròng trong quý III/2019 chỉ đạt 523 triệu euro, dưới mức kỳ vọng của các nhà phân tích (775 triệu euro). Lợi nhuận ròng được điều chỉnh đã giảm 44%, xuống còn 776 triệu euro. Sản lượng dầu khí của Eni trong 3 tháng qua là 1,888 triệu thùng/ngày, tăng 5% so với năm trước. Doanh thu của Eni trong quý III/2019 đã giảm 15%, xuống còn 16,686 tỉ euro, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, ông chủ của Eni, Claudio Descalzi, vẫn rất lạc quan về “sức mạnh to lớn” của tập đoàn, thông qua các vụ mua lại gần đây ở Na Uy và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất sẽ mang lại “một động lực mới để phát triển và ổn định”. Ông Descalzi đề cập đến một “bối cảnh khó khăn” với việc giá dầu Brent giảm hơn 13 USD/thùng trong 3 tháng qua, trong khi giá khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn 50%. Eni đã coi việc thăm dò và khám phá các mỏ mới là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời nhượng lại cổ phần trong những mỏ mới khám phá gần đây. Eni cũng bắt đầu đa dạng hóa, tham gia vào năng lượng tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và xử lý chất thải, vì tin rằng các công ty chỉ hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt không có tương lai trong trung, dài hạn.

Công ty dầu mỏ Pemex nhà nước Mexico còn “thảm” hơn khi tiếp tục lỗ trong quý III/2019, tới 4,6 tỉ USD, do sản lượng tiếp tục giảm. Pemex cho biết trong một tuyên bố ngày 28-10 rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự giảm giá xăng và dầu diesel, sự sụt giảm về doanh số bán hàng trong nước và xuất khẩu. Tổng sản lượng dầu thô và condensate của Pemex trong 3 tháng qua đạt 1,7 triệu thùng/ngày, giảm 122 triệu thùng so với cùng kỳ của năm 2018. Ngoài ra, giá một thùng xuất khẩu của Mexico chỉ đạt 57,1 USD, thấp hơn 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bởi mức tăng nhu cầu dầu quốc tế đã chậm lại do kinh tế toàn cầu suy yếu, kết hợp với tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ của Mỹ.

Tình trạng của tập đoàn lớn của Pháp là Total cũng chẳng sáng sủa. Lợi nhuận ròng trong quý III/2019 của Total đã giảm 29%, xuống còn 2,8 tỉ USD, do giá dầu và khí đốt thấp, bất chấp sản lượng khai thác tăng mạnh. Lợi nhuận ròng sau khi điều chỉnh của Total trong 3 tháng qua đã giảm 24%, xuống còn 3,02 tỉ USD. “Total tiếp tục đạt kết quả vững chắc mặc dù giá dầu Brent trong quý III giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức trung bình 62 USD/thùng và giá khí giảm 55% ở châu Âu và châu Á”, CEO Patrick Pouyanné nhận xét. Môi trường không thuận lợi đó ảnh hưởng đến lợi nhuận, mặc dù sản lượng của Total tiếp tục tăng mạnh trong quý III/2019 (+8,4%), lên mức 3,04 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày, mức cao nhất trong lịch sử.

Với các tập đoàn Nga, mặc dù báo cáo có mức lợi nhuận ròng tăng gấp 8 lần trong 3 tháng qua, nhưng số lợi nhuận đó lại đến từ việc bán cổ phần chứ không phải kinh doanh. Từ tháng 7 đến tháng 9-2019, lợi nhuận ròng của Novatek lên tới 370 tỉ rúp (5,2 tỉ euro), so với 46 tỉ rúp trong cùng kỳ năm ngoái. “Lợi nhuận của chúng tôi đã tăng đáng kể nhờ mức tăng vốn 10% và 30% trong dự án Bắc Cực LNG 2 vào tháng 3 và tháng 7”, Novatek cho biết trong một tuyên bố. Mặc dù vậy, trong 3 tháng qua, lợi nhuận ròng không bao gồm doanh số bán cổ phần của Novatek đã giảm 26%, xuống còn 48,5 tỉ rúp; doanh số giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 189 tỉ rúp. Mức giảm này chủ yếu do giá bán dầu khí trên thị trường quốc tế thấp. Trong quý III/2019, lượng khí bán ra của Novatek tăng 7,1% lên 16,7 tỉ m3, chủ yếu là bán ra nước ngoài, tăng gần gấp đôi.

Các tập đoàn dịch vụ dầu khí đương nhiên bị ảnh hưởng. Tập đoàn dịch vụ dầu mỏ Pháp - Mỹ TechnipFMC đã chứng kiến lợi nhuận ròng trong quý III/2019 giảm 84,1%, xuống còn 21,8 triệu USD, chủ yếu do giảm giá dịch vụ trong một số hoạt động, theo một tuyên bố của TechnipFMC ngày 23-10.

Cùng ngày, Tập đoàn dịch vụ dầu mỏ Mỹ Halliburton báo cáo thu nhập ròng quý III/2019 là 295 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu giảm khoảng 10%, xuống còn 5,56 tỉ USD, thấp hơn mức 5,81 tỉ USD dự kiến.

S.Phương